Liên kết website
Tiện ích
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH Thống kê truy cập
Đang truy cập14
Tổng số lượt xem 940895
Sôi động trên những vùng kinh tế động lực
Đăng lúc 21-09-2015 10:45:21
Những ngày này, hòa chung khí thế thi đua sôi nổi của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh, chúng tôi có chuyến hành trình về những vùng kinh tế trọng điểm, chứng kiến những đổi thay, bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh 5 năm qua.
  • Công nhân doanh nghiệp tư nhân Mộc Sương (Mộc Châu) thu hái chè.

Điểm khởi đầu, chúng tôi chọn Mường La, nơi có công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, nơi tỉnh ta lựa chọn trồng những cây cao su đầu tiên, đánh dấu cho bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nơi đây thị trấn Ít Ong cũng được xác định là một trong 3 đô thị nằm trong quy hoạch tam giác phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh (Thành phố - Mai Sơn - Mường La). Những ngày này, khí thế thi đua lao động trong những ca sản xuất của Nhà máy thủy điện Sơn La càng thêm sôi nổi. Từ khi khánh thành đến nay, nhà máy đã đóng góp vào dòng điện quốc gia 35 tỷ kWh điện, nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.000 tỷ đồng và đóng phí bảo vệ tài nguyên môi trường rừng gần 700 tỷ đồng. Cùng với đó, còn có 15 công trình thủy điện vừa và nhỏ ở Mường La hiện cũng đã đóng vào ngân sách huyện Mường La hơn 20 tỷ đồng mỗi năm, giúp huyện có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sắp xếp ổn định các khu dân cư. Mùa này, Nhà máy thủy điện Sơn La đang xả nước cuồn cuộn, tung bọt trắng xóa; trên các triền đồi vùng hạ lưu hiện lên màu xanh bạt ngàn của cây cao su. Mường La  là nơi trồng thử nghiệm cây cao su đầu tiên, nay có hơn 2.100 ha và lứa cao su đầu tiên 7 đến 8 năm tuổi đang chuẩn bị cho khai thác. Dọc các xã vùng cao từ Ngọc Chiến, đến Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Muôn, Nậm Giôn, Chiềng Lao, Hua Trai bà con đang bước vào vụ thu hoạch 3.340 ha sơn tra, năng suất bình quân từ 18-20 tấn quả/ha, thu về hàng chục tỷ đồng; đây vừa là vùng rừng kinh tế vừa bảo vệ môi trường, giữ nguồn nước phục vụ các công trình thủy điện.
 
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường La phấn khởi nói: Dọc vùng lòng hồ Nhà máy thủy điện Sơn La rộng hơn 100 ha mặt nước trong xanh, Mường La đã có hơn 120 lồng cá của người dân đầu tư, cùng hàng trăm thuyền bè tấp nập đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam - Sơn La đã nuôi thành công gần 20 lồng cá với 4.000 con cá tầm Benloga đạt trọng lượng 25-30kg/con để lấy trứng; đồng thời ương nuôi thành công hàng chục nghìn con cá tầm giống, góp phần chủ động về nguồn giống phục vụ phát triển nghề nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện. Với giá trị xuất khẩu thấp nhất từ 1.000USD/kg trứng trở lên, hứa hẹn sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương. Hiện nay còn có thêm HTX sản xuất và dịch vụ thương mại nông nghiệp cũng đầu tư nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La.
 
Từ Mường La, chúng tôi về Thành phố trẻ trung, năng động, hiện đại, với khu đô thị có nhiều tòa nhà cao tầng mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng các dân tộc vùng Tây Bắc. Điểm nhấn của thành phố Sơn La hôm nay là hàng loạt dự án quan trọng nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020 đã, đang và chuẩn bị được triển khai, thực hiện, như: Dự án mở rộng địa giới hành chính và phát triển Thành phố về phía Nam dọc quốc lộ 6, phường Chiềng Sinh; di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc; Khu trung tâm hành chính - văn hóa Phật giáo tỉnh; đường tránh Thành phố; dự án cơ sở 2 Công an tỉnh; dự án kè suối Nậm La; công trình tổng hợp Công viên 26-10...  Cùng đó, để tạo sự thông thoáng và điểm nhấn cho phố, phường những vườn hoa, cây xanh được xây dựng làm chỗ nghỉ chân và vui chơi cho người dân; đường giao thông nội thành, tổ, bản cũng được chỉnh trang, nâng cấp và bê tông hóa, gắn với hệ thống đèn chiếu sáng đô thị... Và một trong những chương trình mang tính đột phá là Thành phố đã huy động nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân; nhiều mô hình trong xây dựng nông thôn mới được nhân dân tự giác thực hiện, như: phong trào hiến đất, ủng hộ ngày công lao động, tuyến đường phụ nữ tự quản, tuyến đường thanh niên tự quản, điện an toàn, ánh sáng bản làng và mô hình hoa chất lượng cao tại xã Chiềng Xôm đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/ha... Đến nay, xã Chiềng Xôm đã đạt xã nông thôn mới, 4 xã còn lại đạt 13-14 tiêu chí.
 
Thành phố hôm nay hiện hữu với một bức tranh phố xá tấp nập, những dãy nhà cao tầng, từng khu chung cư mọc lên cùng những hạng mục công trình mang tầm vóc của thế kỷ và hệ thống chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại... đáp ứng các hoạt động dịch vụ, thương mại và du lịch, góp phần nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2015 ước đạt 6.150 tỷ đồng, tăng bình quân 15,5%/năm. Cảm giác lâng lâng xen lẫn tự hào Thành phố phát triển hôm nay. Đặc biệt với thành công của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, với quyết sách đúng đắn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc đoàn kết, gắn bó thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, Nghị quyết đề ra, luôn xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh.
 
Đến huyện Mai Sơn - vùng động lực kinh tế của tỉnh, nơi có vùng nguyên liệu chủ lực mía, cà phê, sắn cao sản gắn với các nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Những vùng mía trải khắp các phiêng bãi rộng lớn từ Cò Nòi đến Hát Lót, Chiềng Mung ngút ngàn. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La Trần Ngọc Hiếu thông báo nhanh: “Niên vụ 2014-2015, Công ty đã đầu tư trên 63 tỷ đồng thực hiện chính sách phát triển vùng nguyên liệu, tổng diện tích mía gần 5.000 ha, với 7.000 hộ nông dân tham gia trồng mía, sản lượng đạt 334.000 tấn, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao đông, nộp ngân sách Nhà nước trên 16 tỷ đồng”. Với vùng sắn cao sản diện tích trên 30.000 ha sản lượng ước đạt hơn 370.000 tấn củ/năm, đáp ứng nhu cầu chế biến của Nhà máy tinh bột sắn. Ở các xã Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Mung và một số vùng lân cận bà con đang chuẩn bị thu hoạch 10.900 ha cà phê, sản lượng cà phê nhân ước đạt 10.379 tấn. Điểm nhấn cho cây cà phê là tỉnh và huyện Mai Sơn đang tập trung thí điểm mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ hiện đại của Israel, mô hình đã đem lại hiệu quả lớn cho chất lượng và sản lượng cà phê Sơn La. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết trong sản xuất, những cánh đồng có giá trị thu nhập 100-200 triệu đồng/ha xuất hiện ngày càng nhiều.
 
Sôi động giữa trung tâm huyện trọng điểm kinh tế là nhịp độ lao động khẩn trương của công nhân Nhà máy xi măng Mai Sơn. Phong trào tiết kiệm chi phí, nguyên liệu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành, tăng thị phần để mở rộng sản xuất đã đem lại kết quả rõ rệt. 8 tháng đầu năm sản lượng xi măng nhà máy sản xuất đạt gần 300.000 tấn, đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình trên địa bàn và cung ứng gần 30.000 tấn phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần xi măng Mai Sơn cho biết: Hiện nay, Công ty đang đẩy mạnh phát triển các dịch vụ, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu sang nước bạn Lào. Đồng thời, bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, vệ sinh công nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho công nhân, thực hiện tốt việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
 
Từ Mai Sơn, chúng tôi xuôi Quốc Lộ 6 về với Mộc Châu. Cao nguyên Châu Mộc hiện ra như một bức tranh sinh động với cánh đồng cỏ bao la, những đồi chè trải rộng và sắc thơm của muôn loài hoa. Nơi đây, nổi tiếng là sữa Mộc Châu, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu đã và đang tạo cho mình một tầm vóc mới trong quy trình sản xuất khép kín từ chăn nuôi đến dây chuyền sản xuất, tạo ra sản phẩm sữa đa dạng, chất lượng và uy tín. Trên 16 nghìn con bò sữa đã và đang làm giàu cho hàng nghìn hộ chăn nuôi. Về Mộc Châu chúng tôi còn được trải nghiệm trên những vùng chè xanh ngút ngàn. Cây chè gắn với tên tuổi của các đơn vị: Công ty chè Mộc Châu, Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ, Chiềng Ve, Mộc Sương, Tân Lập và Công ty chè Ligenden với nhiều sản phẩm thương hiệu đa dạng. Đặc biệt, thương hiệu chè Cờ Đỏ hôm nay với những sản phẩm chè Ô Long, Kim Tuyên, Bát Tiên được cấp Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm tiêu chuẩn ISO 9001-2000, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu HACCP đã đáp ứng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan... Trên mảnh đất cao nguyên này còn được biết đến mô hình trồng hoa, những vườn cây ăn quả ôn đới chất lượng cao, đào Mỹ, bơ... Và Mộc Châu còn là vùng sản xuất rau sạch. Các vùng ven cao nguyên như bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc với mô hình liên kết Tổ hợp tác xã kiểu mới, do bà con tự hình thành để trồng rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP; sản phẩm rau sạch của bà con được tiêu thụ tới hệ thống siêu thị tại Hà Nội, như: Fivimart, o.opmart, OCean Mart, Unimart, Lesmart... Từ những mô hình trên có thể thấy cao nguyên Mộc Châu đã và đang trở thành vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vừa đem lại giá trị kinh tế trong sản xuất, vừa tạo hình ảnh khu du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch để nơi đây xứng đáng là khu du lịch quốc gia.
 
Diện mạo mới, tầm vóc mới của Sơn La hôm nay không chỉ là những bức tranh đẹp về đô thị, kinh tế, xã hội như Mường La, Mộc Châu, Mai Sơn, Thành phố mà còn hiển hiện đầy đủ và sinh động khắp các vùng quê từ vùng biên giới Sông Mã, Sốp Cộp, Yên Châu đến Phù Yên, Bắc Yên, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Vân Hồ... Thành quả này minh chứng cho bước phát triển bền vững của tỉnh Sơn La trong hành trình 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Đây là những tiền đề để Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra những quyết sách quan trọng, phấn đấu đưa tỉnh ta sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Theo baosonla.org.vn

Các bài mới đăng