Liên kết website
Tiện ích
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH Thống kê truy cập
Đang truy cập100
Tổng số lượt xem 939793
Cần giải pháp cho cây ngô phát triển đúng quy hoạch, bền vững
Đăng lúc 20-11-2015 08:52:28
Mai Sơn là huyện có diện tích ngô lớn nhất tỉnh, với hơn 20.726 ha, nhiều năm nay, cây ngô là nguồn thu nhập chủ yếu của hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn. Tuy nhiên, giá ngô năm nay xuống thấp, tiêu thụ chậm, khiến người trồng ngô gặp nhiều khó khăn.
  • Giá ngô xuống thấp, cơ sở chế biến ngô Đa Thụy, xã Cò Nòi (Mai Sơn)
  • chỉ hoạt động với 40% công suất.

Khác với những năm trước, đến trung tuần tháng 11 năm nay, nông dân Mai Sơn mới thu hoạch khoảng 80% diện tích ngô xuân hè, nhiều nơi, bà con vẫn để bắp khô trên cây, còn ngô thu về đã chật kín các kho chứa, chất đống ở gầm sàn, thậm chí để cả ngoài sân. Do nắng hạn kéo dài, năng suất ngô trung bình chỉ từ 5-6 tấn bắp/ha, giá ngô tại những xã dọc quốc lộ 6 chỉ từ 4.400-4.500 đồng/kg ngô hạt, còn tại những xã vùng sâu, vùng xa chưa được 3.000 đồng/kg. Với giá ngô như thế thì nông dân không có lãi, thậm chí bị lỗ, chưa năm nào người trồng ngô lại gặp khó khăn như năm nay.

Vừa bán một xe hơn 5 tấn ngô hạt, cầm trên tay gần 23 triệu đồng, nhưng trên gương mặt ông Lò Văn Phủ, bản Lếch, xã Cò Nòi vẫn không khỏi lo lắng. Ông Phủ chia sẻ: Gia đình có 3 ha ngô, trước đây trừ hết chi phí năm nào cũng thu từ 60-70 triệu đồng, nhưng năm nay ngô rất khó tiêu thụ. Làm một phép tính đơn giản, trung bình một ha ngô phải đầu tư hết 5,5 triệu đồng tiền giống, 7,5 triệu tiền phân lân, 3,5 triệu tiền thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, 2,5 triệu thuê vận chuyển, tách hạt, tổng chi phí hết 23,5 triệu đồng, đấy là chưa tính công lao động. Như vậy, năng suất phải đạt 5,5 tấn ngô hạt/ha và ngô bán được giá thì mới không bị lỗ. So với cách đây 3 năm, giá vật tư, giống, phân bón tăng gấp đôi, nhưng giá ngô lại giảm xuống còn một nửa.

Cây ngô chủ yếu trồng trên đất dốc, thường xuyên bị rửa trôi, bạc màu, do đó chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ chiếm đến 2/3 tổng chi phí, mà chất lượng ngô lại không bảo đảm, năng suất mỗi năm một giảm. Ông Lò Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Chăn cho biết: Từ nhiều năm nay, sản xuất chính của xã vẫn là cây ngô, với 1.670 ha, năm nay năng suất trung bình chỉ đạt 5 tấn ngô bắp/ha, nhưng phải chọn và loại bỏ những bắp nhỏ, bị sâu thì mới bán được giá 3.100 đồng/kg, đây là năm đầu tiên năng suất và giá ngô xuống thấp như vậy.

Người trồng ngô gặp khó khăn, còn người kinh doanh ngô cũng không dám mở rộng đầu tư. Xã Cò Nòi có trên 20 cơ sở kinh doanh ngô, trung bình mỗi năm một cơ sở thu mua từ 4.000-5.000 tấn ngô hạt. Những cơ sở này đều đầu tư lò sấy hiện đại, công suất hàng trăm tấn/ngày, vào những tháng cao điểm của mùa ngô ngày nào cũng có hàng chục xe vào mua và xuất ngô đi các tỉnh miền xuôi, nhưng nay phải vừa sản xuất, vừa nghe ngóng giá ngô trên thị trường. Bà Vũ Thị Thụy, chủ cơ sở kinh doanh Đa Thụy, tiểu khu 39, xã Cò Nòi cho biết: Từ đầu mùa đến nay, cơ sở mới thu mua gần 1.000 tấn, chưa bằng 1/3 so với mọi năm. Giá ngô hạt đầu mùa còn được 5.600 đồng/kg, nhưng giá giảm từng ngày, nên không dám mua ngô tươi, ngô hạt phải lựa chọn rất kỹ, từ màu sắc, độ ẩm mới xuất bán được.

Thực tế hiện nay, cây ngô ở tỉnh ta nói chung, huyện Mai Sơn nói riêng đang phải đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của ngô nhập khẩu, nếu vẫn giữ lối canh tác truyền thống, năng suất, chất lượng thấp, sản lượng cao chỉ do diện tích lớn. Nếu không chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, trong những năm tới nông dân trồng ngô sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã trong việc cung cấp thông tin thị trường, xây dựng các mô hình canh tác hiệu quả để bà con học tập, làm theo.

Một tín hiệu đáng mừng, đó là sau khi nắm bắt được những thông tin về những khó khăn trong sản xuất ngô hiện nay cũng như dự báo trong những năm tiếp theo, một số xã của huyện Mai Sơn đã chủ động vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, điển hình là xã Chiềng Chăn đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tham quan, học tập mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Đông Sang (Mộc Châu). Đồng thời, chuẩn bị thành lập HTX để liên kết chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống, tổ chức tập huấn về sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, bao tiêu sản phẩm, dự kiến đầu năm 2016, HTX sẽ bắt đầu sản xuất. Hy vọng đây sẽ là bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giảm dần diện tích ngô cũng như các loại cây trồng khác kém hiệu quả trên đất dốc, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Theo baosonla.org.vn

Các nội dung liên quan

Các bài mới đăng