Liên kết website
Tiện ích
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH Thống kê truy cập
Đang truy cập49
Tổng số lượt xem 939231
Cuộc sống mới trên các vùng tái định cư
Đăng lúc 21-09-2015 10:52:11
Năm 1985, hơn 5 nghìn hộ dân thuộc các huyện Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, Mai Sơn, Mường La đồng loạt di chuyển ra khỏi lòng hồ sông Đà để xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình.
  • Điểm TĐC Phiêng Nèn (Quỳnh Nhai) hôm nay.

Gần 20 năm sau, trên 12 nghìn hộ dân của các huyện Mường La, Thuận Châu và Quỳnh Nhai lại tiếp tục di chuyển, nhường chỗ cho công trình thủy điện Sơn La. Hai công trình được triển khai xây dựng, đồng thời là 2 cuộc “đại cách mạng” di dân tái định cư.
 
Đối với dự án thủy điện Hòa Bình, bằng các dự án 747, 1382, 1460 qua các giai đoạn, Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ chuyển dân, đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và đời sống cho bà con trên quê mới. Tại các điểm TĐC, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt tiếp tục được nâng cấp và đầu tư mới, nhất là các tuyến đường giao thông liên vùng, liên xã như tuyến Huy Tường - Nam Phong, Tân Phong - Đá Đỏ (Phù Yên); Song Pe - Pắc Ngà (Bắc Yên)... Riêng Đề án 1460, đã bồi thường, hỗ trợ gần 75 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 104 tỷ đồng cho 8.595 hộ tổ chức sản xuất; di chuyển 240 hộ dân đến các điểm TĐC mới; đưa vào sử dụng 85 dự án, tiếp tục thi công 7 dự án khác; giải ngân thanh toán hơn 354 tỷ đồng...
 
Hiện tại, đời sống nhân dân tái định cư thủy điện Hòa Bình ở các xã dọc vùng hồ sông Đà từ Hang Miếng (Vân Hồ) qua Tân Phong (Phù Yên) đến Chiềng Hoa (Mường La)... đã ổn định đời sống và sản xuất, hệ thống chợ phiên, kinh doanh vận tải đường thủy, giao thương trao đổi hàng hóa. Các xã Tân Phong, Tường Phong, Tường Tiến (Phù Yên), Quy Hướng (Mộc Châu) phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm. Các bản TĐC thuộc xã Mường Cơi (Phù Yên), Phiêng Luông, Tân Lập (Mộc Châu), Hát Lót (Mai Sơn) tích cực trồng chè, mận, mía, cà phê và hoa màu ngắn ngày kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm... Mô hình chăn nuôi đại gia súc của gia đình chị Sa Thị Thướng (Tường Phong), anh Đinh Công Phận (Huy Tường), Đinh Văn Hanh (Đá Đỏ) và mô hình kinh doanh dịch vụ vận tải đường sông, thu mua nông sản của gia đình anh Đinh Văn Tưởng (Đá Đỏ), Mùi Văn Quang (Tạ Khoa)... đã giúp các gia đình này trở thành triệu phú.
 
Đối với dự án thủy điện Sơn La, đến thời điểm này tỉnh đã phê duyệt bồi thường, hỗ trợ, bù chênh hơn 944 tỷ đồng cho 25.443 hộ TĐC; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 9.471 hộ; hỗ trợ công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi ngành nghề cho 251 điểm TĐC nông thôn và đô thị; hoàn thành và đưa vào sử dụng 2.106 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; giải ngân thanh toán 12.560 tỷ đồng...
 
Sau khi ổn định trên quê mới, bà con TĐC các huyện Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai tập trung khai thác tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống. Một số điểm TĐC đã tận dụng đất đai để khai hoang ruộng nước, trồng ngô, cây hoa màu ngắn ngày, phát triển dịch vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá lồng kết hợp đánh bắt thủy sản gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, huyện Quỳnh Nhai đã thành lập 7 HTX thủy sản; với 218 lồng cá tập trung ở xã Chiềng Bằng, Mường Giàng, Chiềng Ơn trải rộng trên 235 ha mặt nước; sản lượng nuôi trồng, đánh bắt hàng năm ước đạt hơn 600 tấn, nhiều hộ khá lên từ nuôi cá lồng. Đặc biệt, HTX thủy sản Hạnh Lợi (Quỳnh Nhai) đầu tư nuôi 32 lồng cá đặc sản như tầm, nheo, chép, trôi... mỗi năm xuất hơn 3 tấn cá thương phẩm ra thị trường, lãi hơn 700 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 15 lao động.
 
Điển hình là ông Lò Văn Bằng (xã Chiềng Bằng) mở cơ sở đóng thuyền, mỗi năm xuất xưởng hơn 100 chiếc thuyền, tạo việc làm cho 10 lao động, trừ chi phí mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng; anh Lò Văn Hoán (xã Mường Sại) đầu tư 2 máy xúc, thực hiện các dịch vụ làm đường giao thông nông thôn, đào ao, khai hoang ruộng bậc thang... mỗi năm thu về trên 800 triệu đồng; mô hình chăn nuôi đại gia súc, kết hợp làm dịch vụ vận tải của gia đình anh Quàng Văn Noãn (xã Chiềng Lao, Mường La), mỗi năm thu lãi trên 250 triệu đồng...
 
Thực hiện chương trình phát triển cây cao su, các địa phương thuộc dự án thủy điện Sơn La đã trồng gần 6.000 ha cây cao su trên địa bàn 6 huyện: Mường La, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Mộc Châu, Thuận Châu, Yên Châu mở ra hướng làm ăn mới cho bà con vùng TĐC thủy điện Sơn La.
 
Có thể thấy, từ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cuộc sống trên miền quê mới TĐC đã có nhiều khởi sắc; cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ; nhiều điểm đã xác định được hướng làm ăn ổn định bền vững; cơ cấu kinh tế trong vùng TĐC tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, cơ cấu nông - lâm - ngư nghiệp đạt 45%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt trên 33%; thương mại, dịch vụ đạt 16%; nâng độ che phủ của rừng lên 52%; trên 95% số hộ có nhà ở khang trang, 86,9% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và 96% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; không còn hộ đói; thu nhập bình quân đạt gần 15 triệu đồng/người/năm... cuộc sống của bà con vùng TĐC thủy điện Hòa Bình và Sơn La vẫn đang từng ngày ổn định và phát triển đúng hướng với những mô hình làm kinh tế hiệu quả, góp phần thúc đẩy KT-XH toàn tỉnh ngày một ổn định và phát triển.

Theo baosonla.org.vn

Các nội dung liên quan

Các bài mới đăng