Liên kết website
Tiện ích
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH Thống kê truy cập
Đang truy cập104
Tổng số lượt xem 702181
Bắc Yên đưa cây xoài ghép trở thành cây chủ lực trên đất dốc
Đăng lúc 11-07-2018 07:18:34
Bắc Yên là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La có tổng diện tích tự nhiên là 110.371 ha. Với khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù, phù hợp cho phát triển cây ăn quả ở các xã vùng thấp. Thực hiện kế hoạch thay thế cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc, những năm gần đây, huyện Bắc Yên đã tập trung phát triển diện tích cây ăn quả theo hướng tập trung, thâm canh trên cơ sở ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong số những cây trồng đã được đưa vào trồng trọt, cây xoài là một trong những loại cây hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Với đặc điểm khí hậu nóng, ẩm cây xoài vốn là một loại cây ăn quả mọc tự nhiên và có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trên địa bàn các xã vùng thấp ở huyện Bắc Yên. Trước đây, trên địa bàn một số xã, thị trấn như Mường Khoa, Tạ Khoa, Pắc Ngà, Chiềng Sại, Phiêng Côn, Hồng Ngài… một số giống xoài bản địa có chất lượng quả tốt, vị ngọt, hương thơm như xoài tròn Pắc Ngà, Mường Khoa, Chiềng Sại được người tiêu dùng rất ưu thích. Tuy nhiên, giống xoài bản địa có năng xuất khá thấp, quả nhỏ, mẫu mã không đẹp.

Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện, được sự hỗ trợ về giống, mắt ghép và kỹ thuật ghép cành, nhiều hộ nông dân đã tiến hành ghép cải tạo vườn xoài bản địa và trồng mới nhiều giống xoài lai trong đó điển hình là giống xoài Đài Loan.

Đồng chí Bí thư huyện ủy Lưu Minh Quân kiểm tra mô hình vườn ươm xoài

Tận dụng lợi thế diện tích vườn đồi rộng, ít phải chăm sóc đầu tư phân bón như một số cây ăn quả khác nhiều hộ dân đã hướng vào phát triển mô hình trồng xoài ghép cho năng suất chất lượng quả cao, nhằm thay thế một phần diện tích trồng cây lương thực cho hiệu quả kinh tế thấp do diện tích đất đồi núi ngày càng thoái hóa bạc màu không còn phù hợp trồng cây lương thực.

Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại 10 xã vùng thấp của huyện phù hợp để cây xoài sinh trưởng, phát triển tốt. Đây là cây trồng đa mục tiêu vừa mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân, vừa có tác dụng phát triển rừng chống xói mòn rửa trôi đất. Cùng với việc đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học – kỹ thuật và canh tác, không ngừng mở rộng diện tích cây xoài, thay thế diện tích cây lương thực trên đất dốc, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nhiều nhà máy chế biến hoa quả và nông sản được đầu tư xây dựng, đã và đang mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó huyện Bắc Yên đã lựa chọn cây xoài làm cây ăn quả chủ lực, xóa nghèo bền vững cho đồng bào các xã vùng thấp trên địa bàn huyện.

Để cây xoài thực sự trở thành một cây chủ lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường cũng như yêu cầu nguyên liệu đầu vào của các nhà máy chế biến hoa quả, bà con nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch xoài để đảm bảo năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Thời vụ tốt nhất khi trồng xoài là vào tháng 2 - 3 và tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Đất trồng xoài phải thỏa mãn các yếu tố độ dầy tầng canh tác ít nhất 1m tính từ mặt đất trồng, có cơ cấu thịt pha cát hay thịt nhẹ với tỷ lệ sét không quá 50%, tơi xốp, mực nước ngầm thấp hơn 80cm. Độ pH KCl đất từ 5,5 – 7,2.

Kỹ thuật trồng cây xoài: Mật độ trồng trung bình từ 300-350 cây/ha (6m x 5m); trồng dày khoảng cách (4 x 5m hoặc 3 x 3,5m) mật độ 500 – 950 cây/ha. Cần đào hố vuông, rộng 70 – 80 cm, sâu 50 – 70 cm. Trước khi tiến hành trồng cũng cần phải bón phân lót cho 1 hố: 20 – 30kg phân chuồng mục + 1- 2kg super lân + 0,1kg Kali + 0,3-0,5kg vôi bột. Trộn đều phân với đất, lấp bằng miệng hố. Sau đó, đào một hốc nhỏ ở chính giữa hố, rạch bỏ túi bầu ni lon và đặt bầu cây vào giữa hố, lấp đất vừa bằng cổ rễ, nén chặt xung quanh. Tiếp đến phải cắm 2 cọc chéo chữ X vào cây và buộc để tránh lay gốc làm chết cây. Sau trồng 1 tháng cây ổn định, rạch nilon ở vết ghép để cây sinh trưởng, phát triển.

Bón phân NPK, mỗi cây 0,3 - 0,5 kg, bón tăng dần theo tuổi lớn của cây. Cây cho thu hoạch quả: Mỗi cây bón 1,5 - 2,0kg phân NPK. Bón 2 lần bón/năm chủ yếu khi xoài ra hoa và sau thu hoạch quả.

Bắt đầu cắt tỉa cành khi cây được 1 năm tuổi, để lại 2 - 3 cành tạo tán cây phát triển cân đối. Mỗi năm cắt tỉa một lần vào thời kỳ sau khi thu hoạch quả, cắt bỏ hết cành tăm, cành sâu bệnh, tạo cho tán cây luôn có độ thông thoáng, cân đối để cây phát triển tốt.

Ở cây xoài thường bị rầy xanh. Phòng trị bằng cách dùng bẫy đèn khi rầy chưa đẻ trứng, hoặc phun nước xà phòng vào lúc cây ra hoa cách 2 – 4 ngày/lần. Tránh dùng nồng độ cao để không ảnh hưởng đến hoa. Hoặc có thể dùng Bsssa, Mipcin, Applaud, Azodrin, Trebon, Sevin nồng độ 0,15 – 0,20% để phun 2- 3 lần, cách 5 – 7 ngày/lần.

Ngoài ra rệp sáp, rệp dính thường chích hút nhựa ở lộc non, các nhánh và cuống quả xoài. Đây cũng là hai loại rệp sáp chích hút trên cam quýt. Dùng Supracid 0,1%, Dimecron, Bi58, Hostathion với nồng độ 0,2% hoặc polysulfua canxi 0,5o Bômê để phun.

Sâu đục thân, đục cành, ruồi đục quả cũng thường gặp. Phòng trừ, tránh tạo vết thương cơ giới trên cây như cách dùng dao băm gốc kích thích cho cây ra hoa; Dùng bẫy đèn để diệt sâu trưởng thành; tiêm vào lỗ đục các loại thuốc có tính xông hơi mạnh như Methyl parathion, Thiodan, Diazinon... và bịt các lỗ đục bằng đất sét để diệt sâu non. Cần phát hiện các cành non bị sâu đục và đẻ trứng, cắt bỏ các cành cây này đem đốt để diệt sâu non ở bên trong.

Đối với cây xoài già có thể tưới thuốc vào thời điểm cây ra được 1-2 cơi đọt, đối với cây tơ thì tưới vào lúc cây ra được 2-3 cơi đọt. Tưới khi cây vừa ra đọt cuối khoảng 10cm hoặc ra lá lụa. Có thể dùng một số loại thuốc ức chế tăng trưởng để tưới như Paclobutrazol 10%, liều lượng 10cc pha với 5-10 lít nước tưới cho 1m đường kính tán và tưới sát gốc, sau đó giữ ẩm 20 ngày.

Việc bảo vệ hoa và trái non là rất quan trọng. Có thể phun thuốc (Pyrinex, Sago Super, Butyl) bảo vệ hoa lần 1 khi phát hoa dài 2-3cm để ngừa rầy chích hút. Lần hai phun khi hoa đạt kích thước tối đa. Sau đó, ngưng phun thuốc để bảo vệ côn trùng có ích giúp hoa thụ phấn.

Trong 2 năm 2016, 2017, từ các nguồn vốn chương trình, dự án như: Chương trình 30a, chương trình 135, chương trình nông thôn mới, giảm nghèo giai đoạn II… Huyện Bắc Yên đã triển khai trồng mới được gần 1.200 ha diện tích cây ăn quả trên đất dốc, cụ thể: Năm 2016, thực hiện trồng mới được gần 242 ha cây ăn quả, trong đó: Xoài ghép giống Đài Loan trên 67 ha; Năm 2017, trồng mới được gần 958 ha cây ăn quả, trong đó: Xoài gần 485 ha.

Đồng chí Lê Văn Kỳ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên kiểm tra vườn xoài tại xã Phiêng Côn

Đến nay, trên địa bàn huyện đã ghép cải tạo được gần 9.300 cây (tương ứng trên 23 ha) xoài.

Với việc trồng xoài, góp phần tạo công ăn việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho các hộ dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.

Phạm Phượng (CTV)

sonla.gov.vn

 

Các bài mới đăng