Liên kết website
Tiện ích
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH Thống kê truy cập
Đang truy cập142
Tổng số lượt xem 705968
SƠN LA - HỢP TÁC XÃ NHẬP CUỘC THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Đăng lúc 04-11-2021 09:53:45

SƠN LA - HỢP TÁC XÃ NHẬP CUỘC THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Hoàng Ánh Thêu - Trường Chính trị tỉnh

 

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) tại tỉnh Sơn La đã chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin về nông sản qua Facebook, Zalo và đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử... Đây là tín hiệu vui thể hiện sự bắt nhịp thị trường của các HTX của tỉnh trong thời đại công nghệ số.

Hai năm gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người tiêu dùng về mua sắm trực tuyến. Tỷ lệ mua sắm trực tuyến tại Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng tăng đáng kể.

Tận dụng lợi thế

Theo tình hình thực tế, dự báo cùng với sự phát triển về công nghệ thông tin, mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo. Đây là điều kiện thuận lợi để các HTX trong tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế trong bối cảnh toàn quốc đang tích cực xây dựng nền kinh tế số.

Nắm bắt được điều này, không ít HTX đã ứng dụng thương mại điện tử vào việc mở rộng đầu ra cho nông sản. Tiêu biểu nhưHTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh, Tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, nhận thức cây na là cây chủ lực, HTX đã tập trung phát triển 50ha na, hiện 50ha đã cho thu hoạch, sản lượng 600 tấn. Thu nhập của HTX năm 2021 bình quân khoảng 850 - 900 triệu đồng/ha. Tất cả các sản phẩm của HTX được bao trái toàn bộ để có mẫu mã và chất lượng tốt nhất đến với người tiêu dùng. HTX đã áp dụng công nghệ tưới ẩm tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel vào trồng na, xây dựng sản phẩm na sạch đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng Vietgap, giữ vững thương hiệu, quảng bá đặc sản na Mai Sơn.

Chính vì vậy, HTX đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, fanpage và sàn thương mại điện tử. Từ năm 2020 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các sản phẩm của HTX vẫn đều đặn xuất ra thị trường. Thành viên sử dụng Facebook, Zalo để đăng tải hình ảnh, video về quá trình nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch na hoặc thông tin về nguồn gốc cây trồng. Đặc biệt, thông qua sàn giao dịch điện tử, HTX đã liên kết và ký hợp đồng tiêu thụ ổn định cho thành viên thông qua doanh nghiệp.

Từ khi dịch Covid-19 diễn ra, mua bán nông sản bằng hình thức online đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng và các HTX.

 

Ông Bùi Văn Lộc, Giám đốc HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánhcho biết từ khi tham gia các trang thương mại điện tử, sản phẩm của HTX được thị trường đón nhận tích cực hơn, người mua cũng tin tưởng hơn. Đối tượng khách hàng của HTX cũng được mở rộng, số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ cũng tăng đáng kể dù dịch Covid-19 đang xảy ra.

Có thể thấy một trong những hướng đi hiệu quả, bền vững để các HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng và thích ứng với thị trường chính là ứng dụng công nghệ số. Và, để có thể thích nghi với những tác động của thị trường, đặc biệt là dịch Covid-19, không ít HTX đã tự tìm cho mình những giải pháp nâng cao năng lực chống chịu và giảm thiểu thiệt hại.

Nghiên cứu của Liên minh HTX Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại 174 HTX ở 24 tỉnh thành phố và 34 Liên minh HTX tỉnh, thành phố ghi nhận, 76,8% số HTX tham gia khảo sát đã áp dụng số hóa để trao đổi thông tin và ra quyết định tập thể; 47,4% HTX thay đổi phương thức kinh doanh như chuyển đổi hình thức bán hàng truyền thống sang online kết hợp giao hàng tận nơi; 37,4% HTX sử dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tuyên truyền tư vấn chuyện môn, chính sách…

Theo các chuyên gia, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh nhưng đây cũng là cơ hội để các HTX trong tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung, người dân ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh theo hướng thương mại điện tử để vượt qua thách thức.  Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chắc chắn thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và dần thay thế các hình thức mua bán trực tiếp.

Dư địa lớn cho HTX

Gần đây, sau những tín hiệu đáng mừng trong việc thúc đẩy tiêu thụ nhãn Sông Mã và Xoài tròn Yên Châu của một số HTX trên sàn thương mại điện tử, các trang facebook… một loạt các nông sản của người dân và HTX ở các huyện đã triển khai chiến dịch thâm nhập vào thị trường bán hàng online đầy tiềm năng.Khi sức tiêu thụ tốt đồng nghĩa với nguồn thu của người dân, thành viên HTX cũng tốt hơn. Điều này đã làm thay đổi nhận thức của người dân, thành viên HTX về cách làm mới mẻ này.

Trên thực tế, bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, bán hàng online giúp cắt giảm các khâu trung gian. Đặc biệt khi liên kết với các doanh nghiệp để bán hàng online, người dân, HTX còn được đào tạo, làm quen với quy trình hậu sản xuất chuyên nghiệp hơn.

Để người dân, HTX mua bán hàng online một cách rộng rãi, cần sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chuyên môn.

 

Tại Sơn La hiện nay,100% các HTX vận tải, HTX chợ, HTX tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã trang bị máy tính và sử dụng các phần mềm quản lý như kế toán, thư điện tử, lưu trữ dữ liệu... Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 20% số ít HTX có website giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ và khoảng 40% HTX ứng dụng thương mại điện tử phục vụ hoạt động mua bán sản phẩm (theo Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường - Liên minh HTX Việt Nam).

Điều này cho thấy, đối với HTX, thương mại điện tử vẫn còn mới mẻ, sơ khai. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ nhân sự quản lý HTX còn hạn chế, chưa có nhân sự chuyên sâu về xúc tiến các hoạt động thương mại điện tử, nguồn lực về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc chưa đảm bảo.

Như vậy, thương mại điện tử trong việc phát triển kinh tế tập thể, Liên minh HTX có vai trò rất lớncần tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực hoạt động cho HTX. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các Sở ngành, doanh nghiệp huy động nguồn lực từ các chương trình mục tiêu tỉnh nhà triển khai hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo chuỗi và đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử như sendo, lazada, shopee…

Và để làm được điều này, cần phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động thương mại điện tử cho các HTX một cách phù hợp và thiết thực./.

 

 

Các nội dung liên quan

Các bài mới đăng